Diễn văn kỷ niệm 40 năm ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022)

Đăng lúc: 23:05:52 30/11/2022 (GMT+7)

Ngày 19/11/2022 Đảng ủy - HĐND - UBND - MTTQ xã Tượng Văn tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022). thầy giáo Lê Văn Thư hiệu trưởng Trường THCS Tượng Văn báo cáo truyền thống 40 năm ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022)

TRUYỀN THỐNG  KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

(20/11/1982 - 20/11/2022)

           Kính thưa các vị đại biểu, các vị khách quý!

Kính thưa các thầy, cô giáo đã nghỉ hưu, các thầy cô giáo đang công tác, các đồng chí là nhân viên, người lao động trong các nhà trường!

Mỗi một năm, đất nước ta, dân tộc ta có nhiều ngày kỉ niệm lớn; nhưng riêng với những thầy giáo, giáo, những người đã nhiều năm âm thầm với những chuyến đò tri thức, mỗi khi tháng 11 về, tâm trạng ai cũng xúc động, lâng lâng vì một ngày đặc biệt: Ngày Nhà giáo Việt Nam! Đó là dịp để mỗi chúng ta được cảm nhận trọn vẹn niềm vui, niềm tự hào về nghề dạy học.

Năm nay, toàn ngành Giáo dục chúng ta có một ngày 20/11 thật đặc biệt: đó là chúng ta tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2022 sau 2 năm dịch bệnh Covid – 19 đã làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân nói chung và công tác dạy học nói riêng. Trong năm học qua, sau một thời gian phải dạy học trực tuyến, chúng ta may mắn được đến trường; được cảm nhận trực tiếp sự ấm áp của tình thầy trò và sự quan tâm chu đáo của cha mẹ học sinh, đó là một niềm hạnh phúc bình dị rất đỗi thiêng liêng không gì so sánh được.

Và hôm nay, trong không khí giản dị và thân mật này, chúng ta cùng ôn lại truyền thống ngày Nhà giáo Việt Nam, cùng chia sẻ với nhau những cảm tưởng và có những phút giây thực sự vui vẻ, ý nghĩa.

Trước tiên, thay mặt Lãnh đạo 3 nhà trường tôi xin kính chúc các quý vị khách quý, các thầy cô giáo, các đồng chí nhân viên và người lao động trong các nhà trường có nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui và gặt hái được nhiều thành công trong công việc và cuộc sống!

Kính thưa quý vị đại biểu!

Kính thưa quý thầy giáo cô giáo!

         Lịch sử ra đời ngày nhà giáo Việt Nam 20 – 11 gắn liền với tổ chức giáo giới tiến bộ trên thế giới.

        Tháng 7 năm 1946 Liên hợp quốc tế các công đoàn giáo dục được thành lập viết tắt là FISE. Tháng 7 năm 1953 công đoàn giáo dục Việt Nam được gia nhập tổ chức giáo giới quốc tế này. Hiện nay FISE có trên 100 nước tham gia với trên 20 triệu đoàn viên.

Từ ngày 26/8 đến ngày 30/8/1957 tại thủ đô VácSaVa (Ba Lan). Hội nghị quốc tế các tổ chức các nhà giáo lần thứ 2, có 57 nước tham gia đại diện cho 10,5 triệu giáo viên toàn thế giới đã quyết định lấy ngày 20-11 hàng năm là ngày hiến chương các nhà giáo.

Ngày 20/11/1958 lần đầu tiên ngày “Hiến chương các nhà giáo”. Được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta  những năm sau đó còn được tổ chức ở các vùng giải phóng.

Đất nước được thống nhất ngày 20/11 đã được tổ chức rộng rãi trong cả nước và dần dần trở thành ngày truyền thống của giáo giới Việt Nam.

Ngày 20/11 hàng năm là ngày biểu dương nghề dạy học, củng cố lòng yêu nghề của các nhà giáo, là dịp để học sinh, phụ huynh và xã hội thể hiện  tình cảm biết ơn và tinh thần trách nhiệm với các nhà giáo. Ngày 20/11 còn là ngày biểu dương tình hữu nghị các nhà giáo tiến bộ của các nước trên thế giới. Thể theo nguyện vọng các nhà giáo và nhân dân, theo đề nghị của Bộ Giáo dục và Công đoàn giáo dục Việt Nam: Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ ) đã ra quyết định số: 167/HĐBT ngày 28/9/1982, lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Ngày nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tổ chức trọng thể vào ngày 20/11/1982 tại hội trường Ba Đình Hà Nội.

Ngày nhà giáo Việt Nam hàng năm được tổ chức trọng thể là thể hiện truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta. Hàng năm các cấp Uỷ, chính quyền, đoàn thể ở mọi địa phương quan tâm tổ chức thăm hỏi động viên các thế hệ nhà giáo ở địa phương mình đó là một truyền thống tốt đẹp và cao quý.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Kính thưa thầy giáo cô giáo!

Truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo là nét đẹp văn hoá ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống ấy thể hiện bằng thành tích học tập, tình cảm, sự kính trọng, lòng biết ơn của lớp lớp thế hệ học trò dành cho người thầy. Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.  Người thầy mọi thời đại đều xác định nghề của mình là một nghề cao quý, thiêng liêng và luôn coi đối tượng lao động của mình là nhân cách, là tâm hồn. Chúng ta từng nghe những câu tục ngữ:“Tôn sư trọng đạo”;“Nhất tự vi sư,bán tự vi sư” hay “Không thầy đố mày làm nên” … đã khẳng định vị thế của người thầy trong xã hội và đức tính hiếu học của nhân dân ta. Để rồi bánh xe thời gian vẫn vô tình quay kéo theo nhiều sự đổi thay của cuộc sống và hình ảnh, vai trò của người thầy cũng không nằm ngoài vòng quay đó.

Nói về xã hội xưa, người thầy có vị trí vô cùng quan trọng bởi thầy không chỉ là người dạy chữ mà còn là hình ảnh mẫu mực về nhân cách. Chính truyền thống "tôn sư trọng đạo" qua hàng ngàn năm đã hình thành nên phương pháp sư phạm “lấy người thầy làm trung tâm”. Nghĩa là người thầy chính là hình mẫu để học trò noi theo. Chính vì thế  người thầy trong xã hội xưa là những người có kiến thức rộng, có phẩm chất đạo đức tốt, có lòng yêu nước nồng nàn, có lối sống giản dị, gần gũi với nhân dân. Có thể nói những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta về tư tưởng, tình cảm, về đạo đức đều tập trung ở thầy giáo. Với nền giáo dục truyền thống rất hiệu quả, đã đào tạo được nhiều hiền tài, nhân tài trị nước, cứu nước; tạo nên những thời kỳ thịnh trị, những trang sử huy hoàng của dân tộc. Phương pháp sư phạm truyền thống đó đã tạo nên kỷ cương tuân phục tuyệt đối của trò đối với thầy và thể hiện sự trong sáng trong quan hệ thầy trò. Hình ảnh người thầy xưa dường như đã trở thành một nét đẹp văn hóa đã được hình thành và gìn giữ hàng ngàn năm qua. Toàn xã hội luôn gửi gắm ở họ niềm tin về nhân cách, tài năng, luôn coi họ là chuẩn mực, là hình mẫu để vươn tới. Xưa, Chu Văn An, Nguyễn Khuyến... những nhân cách cao cả đó không chọn nghề nào khác mà chọn nghề dạy học, bởi qua nghề dạy học, họ có điều kiện để ươm những mầm xanh hi vọng cho ngày mai, muốn đào tạo nên những người có tài để có thể giúp dân, cứu nước. Nói về hình ảnh người thầy xưa chúng ta cũng không thể không kể đến Bác Hồ của chúng ta. Người đã từng là thầy giáo trực tiếp đứng trên bục giảng truyền thụ tri thức cho học sinh ở trường Dục Thanh. Từ người thanh niên yêu nước trở thành người thầy dạy học, người thầy cách mạng - thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã sống cuộc sống người thầy đẹp đẽ như thế. Thầy giáo Thành không những dạy cho học trò kiến thức văn hóa mà còn gieo vào tâm trí người học về nguồn cội, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu nước, yêu đồng bào và nỗi niềm trăn trở của người dân mất nước qua mỗi bài giảng. Quả thực,vai trò của người thầy xưa vô cùng quan trọng thậm chí vị trí người thầy còn được xác định cao hơn cả người cha trong gia đình, thể hiện ở câu "Quân, sư, phụ”. Bởi lẽ, cha ông ta hết sức coi trọng việc học"học là để làm người, biết điều hơn thiệt, biết lời thị phi".

Theo dòng thời gian và sự phát triển của xã hội, vị trí của người thầy vẫn luôn được đề cao nhưng ít nhiều vẫn có nhiều nét đổi thay trong phương pháp giáo dục. Trong bất kỳ xã hội nào, bất kỳ giai đoạn phát triển  nào của nhân loại, đội ngũ giáo viên đều đóng vai trò vô cùng quan trọng, bởi vì họ là những người trực tiếp làm công tác giáo dục - đào tạo thế hệ tương lai.

Ngày nay, trước xu thế phát triển của thời đại đang đặt ra những yêu cầu đổi mới giáo dục một cách “căn bản, toàn diện”, người thầy một mặt vẫn kế thừa những phẩm chất, nhân cách của người thầy truyền thống, vừa phải không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, lấy học sinh là trung tâm, là người truyền cảm hứng say mê học tập, nghiên cứu cho học sinh, đồng thời liên tục cập nhật kiến thức mới, ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng những phương pháp, kĩ thuật hiện đại vào bài giảng, dạy trên nguyên tắc học đi đôi với hành dần dần đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức và mỗi thầy cô phải là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo cho học trò noi theo.  Muốn làm được điều đó bản thân mỗi thầy cô phải tự rèn luyện mình cho xứng đáng với vị trí, vai trò của người thầy. Thầy phải luôn giữ vững phẩm chất chính trị, phải có lối sống giản dị, lành mạnh, trong sáng, luôn giữ mối quan hệ tốt với cộng đồng, xã hội, được mọi người yêu quý và kính trọng. Để khẳng định vị trí của mình trên bục giảng, người thầy phải tận tâm, yêu nghề, luôn tìm tòi, sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy và mỗi người thầy phải xem nghề nghiệp của mình là một sứ mạng cao cả mà cả xã hội trông chờ và tin tưởng.

   Tuy nhiên, trước sự tác động không nhỏ của nền kinh tế thị trường, đâu đó còn có những thầy cô đã không giữ được cái tâm sáng, chưa hết lòng vì học trò, bị vật chất, môi trường tiêu cực cám dỗ, đã làm mai một đi hình ảnh người thầy đáng kính trong lòng nhân dân và các thế hệ học trò. Song đó chỉ là những cá nhân cá biệt, những “con sâu làm rầu nồi canh”. Vì hàng ngày, hàng giờ đã và đang có biết bao thầy cô miệt mài, bám lớp, bám trường, khắc phục mọi khó khăn để dạy dỗ, truyền lửa cho các em học sinh thân yêu, họ vẫn mãi là những người đưa đò cần mẫn, tận tâm, tận lực, xứng đáng được xã hội tôn vinh.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Kính thưa thầy giáo cô giáo!

Giáo dục Việt Nam nói chung, giáo dục xã nhà nói riêng chúng ta đã đón nhận 41 lần ngày Nhà giáo Việt Nam trong 40 năm qua với một niềm tự hào cũng như một thách thức không kém phần cam go. Xã hội tôn vinh nhưng cũng thử thách bản lĩnh chúng ta. Các thế hệ học sinh Tượng Văn đã phần nào đáp ứng được nhu cầu nhân lực và nhân tài cho xã hội. Hệ thống giáo dục xã nhà đã có tác dụng nâng cao dân trí, đưa mặt bằng xã hội lên cao hơn thể hiện là danh hiệu xã Nông thôn mới đầu tiên của huyện Nông Cống và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Anh hùng trong thời kỳ xây dựng đất nước.

Đối với Giáo dục xã nhà trong những năm qua đều đáp ứng được nhiệm vụ mà nghị quyết đại hội Đảng bộ đề ra. Cả 3 nhà trường đều đạt trường chuẩn Quốc gia, hiện nay đang xây dựng với quy mô và diện mạo khang trang hơn để đáp ứng với sự phát triển của xã hội, thực hiện thành công Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXXV nhiệm kỳ 2020 – 2025. Chất lượng giáo dục tiếp tục nâng lên, PCGD - XMC đạt mức độ 3; các nhà trường tham gia tích cực và đạt hiệu quả cao trong các cuộc thi, các cuộc vận động do ngành và địa phương tổ chức; TN THCS đạt tỷ lệ 98%, chất lượng và tỷ lệ học sinh đậu vào lớp 10 THPT cao so với trong cụm, số học sinh giỏi được duy trì và luôn nằm trong tốp 10 của huyện, 100% CBGVNV đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều giáo viên được công nhận CSTĐ, LĐTT, Giáo viên giỏi các cấp, các nhà trường đều được công nhân tập thể LĐTT

Kính thưa các thầy cô giáo đã nghỉ hưu !

Chúng em đã và đang được kế thừa một điểm sáng giáo dục từ các bậc tiền bối để lại, vinh hạnh ấy chúng em không thể nào quên. Hãy cho chúng em được bày tỏ lòng biết ơn chân thành nhất của mình trong lễ tri ân ngày hôm nay. Cảm ơn những tấm gương sáng về lối sống, về sự tận tụy trong công việc, cảm ơn sự chỉ bảo chu đáo để chúng em ngày càng trưởng thành hơn trong mỗi bước đi của mình. Nhưng trong rất nhiều áp lực của nghề giáo thời hiện đại, có thể đôi lúc chúng em chưa tròn vai, chưa được như kì vọng của các thầy cô đi trước, chúng em vẫn cần lắm một sự dõi theo, một sự sẻ chia từ bề dày kinh nghiệm của thầy cô để chúng em được trưởng thành hơn nữa.

Kính thưa các vị đại biểu !

Tiếp tục thực hiện nghị quyết trung ương 4 khóa XIII về “ Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa”; Nghị quyết trung ương 8 khóa XI về “ Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Chúng tôi - toàn thể cán bộ, GV, nhân viên, người lao động nguyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”, triển khai có hiệu quả về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; không ngừng rèn đức, luyện tài, tích cực trau dồi, tu dưỡng chuyên môn nghiệp vụ phấn đấu vì sự phát triển của nhà trường ,vì tương lai con em Tượng Văn. Chúng tôi sẽ nỗ lực mỗi ngày để xứng đáng với truyền thống xã nhà, với sự kỳ vọng của các cấp lãnh đạo cũng như với niềm tin tưởng sâu sắc của nhân dân Tượng Văn đã dành cho chúng tôi.

Kính thưa các quí vị đại biểu !

Giáo dục Tượng Văn dẫu biết rằng với tất cả những gì mình đã làm được, các nhà trường xứng đáng được ghi nhận và biểu dương. Nhưng chúng tôi đều thấm thía ý nghĩa một lời ca mà các em học sinh vẫn ngân lên mỗi ngày: "Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân". Thành công ấy là kết quả tổng hoà của sự quan tâm của các cấp, các ngành; sự chỉ đạo trực tiếp của Phòng GD&DT Nông Cống. Đặc biệt là sự lãnh chỉ đạo sát sao của Đảng bộ và chính quyền xã nhà; sự phối hợp, giúp đỡ của các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội của địa phương, của các thôn trong xã, sự ủng hộ nhiệt tình, hết mình của các bậc phụ huynh học sinh cộng với sự đóng góp và cống hiến to lớn của các thế hệ Cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên và sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của các em học sinh.

Nhân dịp này, cho phép tôi thay mặt cho các thế hệ nhà giáo xin được bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc nhất đến các thế hệ lãnh đạo địa phương, các ban ngành đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội và toàn thể nhân dân trong xã đã giành sự quan tâm, ưu ái đặc biệt cho chúng tôi.

Và cũng tại diễn đàn của buổi lễ trang trọng ngày hôm nay, tôi cũng xin đề nghị các cấp ủy Đảng, Chính quyền, các ban ngành, đoàn thể đã quan tâm sẽ tiếp tục quan tâm, chăm lo nhiều hơn nữa cho sự nghiệp “ trồng người” của các nhà trường để góp phần đưa sự nghiệp giáo dục của xã Tượng Văn  ngày một vững bước đi lên và đạt được nhiều thành tích to lớn hơn nữa.

Một lần nữa xin kính chúc các vị đại biểu, khách quý, các thế hệ nhà giáo luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc các thầy cô đang công tác tiếp tục vững tay chèo đưa lớp lớp các thế hệ học trò cập bến thành công. Tôi cũng thiết tha mong rằng các thầy cô sẽ tiếp tục nhóm lửa, giữ lửa và truyền ngọn lửa nhiệt huyết sang các thế hệ học sinh nối tiếp để các em học sinh Tượng Văn hôm nay chăm ngoan học giỏi, tiếp tục thắp sáng ngọn lửa truyền thống hiếu học của quê hương.

Cuối cùng xin chúc buổi lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 của chúng ta thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn!